Miêu tả là một yếu tố nghệ thuật trong viết tiểu thuyết. Việc khéo léo lựa chọn chi tiết và ngôn ngữ sẽ giúp câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực và giàu sức sống, khiến người đọc bị cuốn vào từng trang sách. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về điều này nhé!

Đọc bài ví dụ về cách viết một phân cảnh, bạn cũng có thể nhận ra một vài kỹ thuật miêu tả mình đã áp dụng.Khác với những bài văn “tả cảnh” thời đi học, miêu tả trong tiểu thuyết cần có một mục đích rõ ràng. Hay nói cách khác, nếu miêu tả chỉ để “tả cảnh”, thì không cần thiết.

Ví dụ:

“Ánh sáng nhạt xuyên qua tán lá, mùi hoa sữa thoang thoảng trong gió báo hiệu một mùa thu Hà Nội.”

“Hải là chàng trai khoảng hai mươi tuổi, một thanh niên tỉnh lẻ với ánh mắt sắc sảo, mặc bộ đồ kaki màu vàng nhạt, tay ôm khư khư chiếc balo cũ kỹ.”

“Lyly là chú mèo mướp với bộ lông vàng xen trắng mượt mà.”

Bạn đã nhận ra chưa? Mô tả trong tiểu thuyết có nghĩa là cung cấp thông tin cần thiết để câu chuyện tiến triển.

II. ĐẶT MIÊU TẢ VÀO BỐI CẢNH

Hãy cùng phân tích một ví dụ khác: 

“Quán cà phê nhỏ mang phong cách giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Những chiếc bàn gỗ sồi được xếp ngay ngắn, trên mặt bàn là vài nhành hoa baby trắng nhẹ nhàng nằm trong lọ thủy tinh nhỏ xinh. Trên trần nhà, chiếc quạt cổ chậm rãi quay, phát ra âm thanh cọt kẹt đều đặn. Sàn nhà không một vết bẩn. Ở góc quán, một giá sách đầy những cuốn sách cũ kỹ, bìa  đã bạc màu.”

Theo bạn thì đoạn miêu tả này này là hay hay dở? Có thể sẽ có rất nhiều bạn cho rằng nó dở tệ vì dài dòng và quá nhiều thông tin. Quả vậy, nếu chỉ xét riêng đoạn này thôi thì đúng là một đoạn miêu tả tồi.  Là một độc giả, tôi thấy thật nhàm chán ngay khi phải đọc cuốn sách chỉ miêu tả phong cảnh mà không có nhiều suy nghĩ hay cảm xúc. Nhưng nếu ta thêm một dòng mô tả tình huống như sau thì sao. 

Đây là lần đầu tiên Minh hẹn hò với bạn gái. Quán cà phê nhỏ mang phong cách giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Những chiếc bàn gỗ sồi được xếp ngay ngắn, trên mặt bàn là vài nhành hoa baby trắng nhẹ nhàng nằm trong lọ thủy tinh nhỏ xinh. Trên trần nhà, chiếc quạt cổ chậm rãi quay, phát ra âm thanh cọt kẹt đều đặn. Sàn nhà không một vết bẩn. Ở góc quán, một giá sách đầy những cuốn sách cũ kỹ, bìa  đã bạc màu.”

Bạn có nhận thấy sự thay đổi đáng kể chưa? Khi đặt miêu tả vào bối cảnh như thế này, ta có thể cảm nhận được nội tâm của nhân vật chính. Có vẻ cậu ta đang rất bối rối và ngượng ngùng, không ngừng đảo mắt nhìn quanh khắp nơi.  

Rồi, hãy thử với một bối cảnh khác:

Thám tử Minh lập tức lao đến hiện trường. Đó là một quán cà phê nhỏ mang phong cách giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Những chiếc bàn gỗ sồi được xếp ngay ngắn, trên mặt bàn là vài nhành hoa baby trắng nhẹ nhàng nằm trong lọ thủy tinh nhỏ xinh. Trên trần nhà, chiếc quạt cổ chậm rãi quay, phát ra âm thanh cọt kẹt đều đặn. Sàn nhà không một vết bẩn. Ở góc quán, một giá sách đầy những cuốn sách cũ kỹ, bìa  đã bạc màu.”

Giờ thì bạn có còn thấy nó tệ nữa không? Ngược lại những mô tả chi tiết từ sàn nhà cho đến giá sách, đến cho đến những bông hoa nhỏ cho thấy mắt quan sát sắc bén của nhân vật “thám tử” khi đang tìm kiếm bằng chứng.

Có thể thấy, thực sự không có mô tả tốt hay xấu, mà chỉ có miêu tả phù hợp hay không. Khi đặt vào đúng bối cảnh, miêu tả sẽ trở nên hữu ích và thu hút. Người đọc sẽ đọc ngấu nghiến bất kỳ văn bản nào nếu họ quan tâm. 

Vậy làm cách nào để xác định “mô tả đến đâu là đủ?” Lúc này chúng ta cần phải hỏi: “Mình có thật sự quan tâm đến miêu tả đó hay không?” Thế “làm sao để biết được mình có quan tâm hay không?” Câu trả lời là “hãy đặt vào bối cảnh”. 

Ví dụ Minh không phải hẹn hò với cô gái mà là hẹn gặp bạn thân thì sao? Lúc này chúng ta chỉ cần nói: “Minh bước vào, quán cà phê vẫn sạch sẽ và mang nét cổ điển như mọi khi” là đủ. Điều này đủ nói lên mối quan hệ thân thiết cũng như tâm thế của Minh. Cậu đã quen thuộc rồi, chẳng cần phải nhìn trước ngó sau, cũng chẳng cần bận tâm nó có gì nữa. Tương tự nếu Minh đến gặp đối tác ở đó thì sao? Các bạn đoán xem Minh sẽ để ý đến những gì trong đó?

III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHI TIẾT MIÊU TẢ

Ở phần trước, ta đã thấy miêu tả có thể thể hiện mối quan tâm của nhân vật. Sang đến phần này, hãy xem qua một vài ví dụ:

“Chỉ là một chiếc mũ vải cũ màu đen, chẳng có gì đặc biệt.”

“Chiếc mũ trẻ con có thêu bông hoa màu trắng.”

“Chiếc mũ nhỏ, thêu bông cúc trắng tinh tế.”

“Đó là chiếc mũ của thương hiệu PEACEMINUSONE với hình hoa cúc trắng khuyết một cánh – biểu tượng của trưởng nhóm Bigbang G-Dragon.”

Cùng miêu tả về một chiếc mũ, nhưng mỗi câu lại mang đến những ấn tượng khác nhau về người kể chuyện hoặc nhân vật quan điểm.

  • Ở ví dụ đầu tiên, cách nhìn đơn giản và thờ ơ gợi lên hình ảnh của một người vô tâm, hoặc có thể là một chàng trai trẻ ít để ý đến chi tiết.
  • Câu thứ hai cho thấy góc nhìn của một người trưởng thành, có khả năng quan sát và đánh giá, nên mới nhìn ra nét ‘trẻ con’ của chiếc mũ.
  • Câu thứ ba thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm, có xu hướng chú ý đến cái đẹp và chi tiết nhỏ nhặt.
  • Câu cuối cùng thể hiện một người am hiểu về thời trang và văn hóa đại chúng, đặc biệt có kiến thức về thần tượng.

Bằng cách này, thông tin về nhân vật quan điểm được lồng ghép một cách tự nhiên qua miêu tả, thay vì trình bày trực tiếp. Trong tiểu thuyết, những câu nói như ‘Tôi buồn’ hay ‘Hải là một người thông minh’ thường không mang lại hiệu quả cao. Nhiều người cho rằng việc miêu tả bằng cách ‘thể hiện thay vì nói trực tiếp’ (show, don’t tell) luôn là cách tiếp cận tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có những lúc cần mạnh dạn sử dụng lời kể trực tiếp, nhất là khi bạn cần diễn tả một tình huống phức tạp hoặc một nhân vật khó để người đọc nắm bắt ngay lập tức. Hãy linh hoạt và chọn cách thể hiện phù hợp với từng bối cảnh và mục đích của câu chuyện.

Ví dụ:

“Bị chính người mình tin tưởng nhất phản bội, nhưng tôi chưa bao giờ vui mừng đến thế!

Một câu văn trực diện như vậy có thể truyền tải mạnh mẽ sự trái ngược trong cảm xúc của nhân vật, điều mà miêu tả đôi khi không thể làm được. Dù vậy cũng cần sử dụng lời kể trực tiếp một cách tiết chế, tránh làm mất đi sự tự nhiên của câu chuyện.

Tóm lại, hãy đặt miêu tả vào bối cảnh phù hợp, cân nhắc mục đích của nó và sử dụng các chi tiết một cách khéo léo để tạo nên sức hút cho câu chuyện. Để làm rõ hơn điều này mình sẽ viết về các kỹ thuật miêu tả trong phần “Viết tiểu thuyết nâng cao” nhé!

Bạn yêu thích bài viết này chứ? Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy chia sẻ liên kết với bạn bè thay vì sao chép nhé. Tôn trọng công sức của tác giả là cách giúp chúng mình có thêm động lực tiếp tục sáng tạo và cung cấp những nội dung chất lượng hơn nữa! Cảm ơn các bạn rất nhiều ❤️"

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!