Việc viết phân cảnh là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng tiểu thuyết. Mỗi phân cảnh không chỉ phải hấp dẫn mà còn phải phục vụ một mục đích rõ ràng. Vậy làm thế nào để viết một phân cảnh vừa thú vị lại vừa có tác dụng thúc đẩy câu chuyện phát triển? Hãy cùng khám phá nhé!
1. Xác định mục tiêu của phân cảnh
Trước khi bắt tay vào viết, bạn phải hiểu phân cảnh này có mục đích gì. Là để phát triển nhân vật, tạo thêm drama, hay làm câu chuyện đi theo một hướng mới? Nếu không có mục tiêu rõ ràng, phân cảnh của bạn có thể trở nên lan man hoặc dư thừa.
Ví dụ: Viết cảnh nhân vật chính tên Oanh đối mặt với bạn thân từ nhỏ của mình là Hân, sau khi phát hiện cô đã phản bội mình.
Với kịch bản thế này theo bạn mục đích của phân cảnh là gì? Đây là gợi ý của Mít ướt:
- Xây dựng mâu thuẫn: Phân cảnh này làm nổi bật xung đột cảm xúc giữa Oanh và Hân, hé lộ sự phản bội và nỗi đau từ một tình bạn tan vỡ.
- Tạo bước ngoặt: Đây có thể là một phân cảnh quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong mối quan hệ cũng như những chuyển biến của hai nhân vật chính và đẩy câu chuyện lên cao trào.
2. Thiết lập bối cảnh và không gian
Bối cảnh chính là yếu tố quan trọng để tạo dựng không khí cho phân cảnh. Hãy bắt đầu bằng một hình ảnh, một cảm giác hoặc một chi tiết đặc biệt để giúp người đọc hình dung ngay lập tức bối cảnh của câu chuyện. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy như đang sống trong không gian đó, đồng cảm với nhân vật hơn. Thêm một chi tiết nhỏ nhưng sắc nét sẽ làm không khí phân cảnh thêm sống động.
Ví dụ: “Cơn mưa rào kéo đến, từng giọt nước đập mạnh vào cửa kính, khiến căn phòng càng thêm u ám.”
Chỉ với một câu ngắn gọn như vậy, bạn đã có thể khắc họa ngay không gian của phân cảnh. Bao gồm địa điểm trong một căn phòng, thời gian là mùa hè với những cơn mưa rào. Đây chính là hai thông tin cơ bản nhất để xây dựng bối cảnh. Tuy nhiên câu hỏi “Ở đâu, khi nào” dường như lại quá mơ hồ. Với góc nhìn là một tác giả, chúng ta phải xác định một cách cụ thể và chi tiết.
Đầu tiên với câu hỏi “Ở đâu” cần chỉ ra rõ: “Ở đất nước nào? Tình thành nào? Địa điểm cụ thể nào ở tỉnh thành đó? “. Bởi vì ở mỗi địa điểm đều có những hình thái hoàn toàn khác nhau. Một cái cây ở Việt Nam thì khác cái cây ở Mỹ, ở miền Bắc thì khác miền Nam, ở Hà Nội cũng khác ở Hải Phòng, ở bờ sông thì khác với trong góc vườn. Các pro hiểu ý mình chứ.
Tương tự với thời gian bạn cũng cần xác định cụ thể: Năm nào? Mùa nào trong năm? Tháng nào? Ngày nào? Thứ nào? Thời điểm nào trong ngày?
Không gian: Dựa vào địa điểm và thời gian chúng ta cần xác định thêm các thông tin khác như: Thời tiết, nhiệt độ, thực vật, động vật, sự vật, sự việc, sự kiện.
Hãy nhớ rằng dựng bối cảnh càng chi tiết, câu chuyện của bạn sẽ càng chân thực và dễ dàng chạm đến khán giả. Đặc biệt với bối cảnh mà bạn không hề có trải nghiệm thực tế. Sẽ thế nào nếu bạn muốn viết một cảnh hay thậm chí cả một câu chuyện ở Bắc Kinh Trung Quốc trong khi chưa từng đặt chân đến đó bao giờ? Điều này là hoàn toàn có thể chỉ cần bạn xây dựng bối cảnh một cách chính xác và chi tiết. Đây chính là sức mạnh của ngôn từ. Khác với các sản phẩm trực quan như video hay hình ảnh, quan trọng là độc giả của bạn có trải nghiệm thực tế hay không chứ không phải bạn.
3. Bắt đầu với hành động hoặc câu thoại gây chú ý
Con người hiện đại tụi mình bây giờ, sống lệ thuộc vào dopamine như cơm bữa. Bận rộn, và có vô vàn lựa chọn nên mấy thứ “loading chậm” là auto next liền! Thế nên, thay vì lòng vòng với kiểu viết truyền thống, hãy thử đi thẳng vào vấn đề như một cú drop the beat thật mạnh! Độc giả trẻ kiểu gì cũng mê tít khi phân cảnh của bạn mở đầu bằng một hành động căng đét hoặc câu thoại đắt giá. Như câu Hook “chốt đơn” trong video TikTok vậy, câu đầu đã cuốn thì chẳng ai lỡ bỏ qua.
Ví dụ:
“Không thể tin nổi! Cậu dám làm vậy thật à?!” – Oanh nghiến răng, mắt lóe lên ánh nhìn sát thương.
4. Tập trung vào những chi tiết nhỏ nhưng sắc nét
Viết phân cảnh không phải là liệt kê cả đống thông tin, mà là chọn ra một vài chi tiết thật ấn tượng để làm nổi bật bầu không khí và cảm xúc của nhân vật. Bạn không cần phải tả từng ly từng tí, chỉ cần chọn đúng chi tiết tiêu biểu là đủ.
Ví dụ: “Cô ấy nắm chặt tay, các khớp ngón tay trắng bệch vì căng thẳng.”
Đây là một chi tiết nhỏ nhưng lại phản ánh rõ sự lo lắng của nhân vật.
5. Cảm xúc của nhân vật thể hiện qua hành động và lời nói
Tập trung vào cách nhân vật thể hiện cảm xúc của mình thông qua lời nói, ngôn ngữ cơ thể hoặc hành động cụ thể thay vì chỉ nói trực tiếp. Điều này giúp phân cảnh trở nên sống động và chân thực hơn, không bị “khô khan” nữa.
Ví dụ: Thay vì viết “Cô rất buồn vì chồng mình” bạn có thể viết “Cô ấy đưa mắt nhìn xuống, xoay xoay chiếc nhẫn bạc cũ trên ngón áp út.”
Các bạn thấy thế sao? tự nhiên hơn hẳn rồi phải không nào.
Khi viết phân cảnh, luôn phải nhớ rằng mục đích chính là làm sao để câu chuyện luôn giữ được sự hấp dẫn và cuốn hút. Đừng ngần ngại sáng tạo, thử nghiệm với các cách diễn đạt khác nhau. Khi đặt bút hãy tự đặt câu hỏi: “Mục đích của phân cảnh này là gì?” và “Thông tin này có thật sự cần thiết không?” Để phục vụ điều này thì nhiều khi chúng ta cần phải thay đổi cả bối cảnh và nhân vật cho phù hợp. Một câu chuyện hay là một câu chuyện không có một chi tiết thừa và bằng cách này, bạn sẽ viết ra những phân cảnh thú vị mà người đọc không thể rời mắt. Chúc các bạn thành công.
Bạn yêu thích bài viết này chứ? Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy chia sẻ liên kết với bạn bè thay vì sao chép nhé. Tôn trọng công sức của tác giả là cách giúp chúng mình có thêm động lực tiếp tục sáng tạo và cung cấp những nội dung chất lượng hơn nữa! Cảm ơn các bạn rất nhiều ❤️"