Viết phân cảnh là một trong những yếu tố quyết định xem câu chuyện của bạn có cuốn hút người đọc hay không. Nếu không làm đúng cách, bạn sẽ khiến mọi người “chìm nghỉm” trong câu chuyện của mình. Vậy làm sao để mỗi phân cảnh đều hấp dẫn? Chúng ta hãy cùng khám phá tiếp những bí kíp dưới nhé!
6. Tạo nhịp độ tự nhiên bằng cách xen kẽ hành động và đối thoại
Để phân cảnh không bị đơn điệu, bạn có thể xen kẽ hành động và đối thoại, giúp người đọc cảm nhận nhịp độ và cảm xúc trong cuộc đối thoại, làm cho phân cảnh thêm năng động và không quá dài dòng.
Ví dụ: Nhân vật đang vừa nói chuyện vừa làm một việc khác như pha cà phê, cầm cuốn sách, hoặc đẩy cánh cửa.
7. Sử dụng ngôn ngữ hình ảnh
Hình ảnh, phép ẩn dụ hoặc so sánh là công cụ cực xịn để làm cho cảm xúc trong phân cảnh trở nên mạnh mẽ. Sử dụng khéo léo công cụ này, người đọc sẽ cảm nhận được cảm xúc nhân vật rõ ràng hơn, dễ cảm nhận được chiều sâu của phân cảnh hơn. Chú ý không nên quá lạm dụng ố dề quá nha.
Ví dụ: Lời nói của Oanh như những mũi kim sắc nhọn, xuyên thẳng vào tâm can Hân, để lại những vết thương không thể lành.
8. Kết thúc phân cảnh với điểm dừng để gợi mở hoặc gây hồi hộp
Một phân cảnh nên kết thúc với một chi tiết, câu hỏi hoặc sự kiện gợi mở để thúc đẩy người đọc tiếp tục. Đó có thể là sự xuất hiện của một nhân vật mới, một câu nói đầy ẩn ý, hoặc một chi tiết chưa được giải thích.
Ví dụ: Tiếng gõ cửa vang lên, và cô không biết ai là người đứng sau cảnh cửa.
Tình huống này chắc chắn khiến người đọc phải tự hỏi: “Ai vậy?” thúc đẩy học lật hết trang này đến trang khác đọc tiếp.
9. Sai lầm thường gặp khi viết phân cảnh
1. Mở đầu sai cách
Sai lầm đầu tiên có lẽ là không biết bắt đầu từ đâu. Nghe có vẻ quen thuộc phải không nào. Chúng ta đã có tận hai bài thảo luận về cách mở đầu tiểu thuyết là Mở đầu tiểu thuyết? Không khó, chill thôi! – Mít Ướt và Mở đầu tiểu thuyết sao cho đỉnh? Coi ngay bí kíp này! – Mít Ướt rồi đúng không nào.
Thực ra mở đầu tiểu thuyết, một phân cảnh trong tiểu thuyết, truyện ngắn, bài viết hay một video viral đều giống nhau. Ở bài này mình sẽ tiếp cận bằng cách lấy ví dụ về một trong những cách viết mở đầu không tốt như sau:
Hôm nay ngày 14 tháng 2 năm 2006 tức ngày 17 tháng 1 năm Bính Tuất. Mình là Oanh một học sinh bình thường lớp 8A trường THCS Quyết Đoán.
Sáng nay như thường lệ mình cùng Huyền và Thùy đến lớp. Nay là buổi đi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Bao trùm quanh mình là một không khí khác hẳn mọi ngày. Có nắng dìu dịu, những cơn gió mát mẻ. Hôm nay là mùa xuân rồi. Tôi háo hức vô cùng.
– Oaapp… buồn ngủ quá.
Trái với vẻ háo hức của tôi Huyền có vẻ thản nhiên và uể oải.
– Mới sáng ra là đã ngáp rồi sao?
Huyền là bạn thân từ nhỏ của tôi, nó là hoa khôi của lớp trẳng trẻo xinh xắn hát hay lại học giỏi. Nói là bạn thân nhưng chúng tôi chẳng hòa hợp lắm. Có lẽ chúng tôi đồng hành được đến giờ này là có Thùy gắn kết.
– Tớ cũng vậy nè, đêm qua tớ mơ thấy các bạn đấy. Mất ngủ luôn. – Thùy nói.
Chính là mở đầu như thế này. Những người mới thường không biết viết thế nào nên ban đầu hay theo công thức : Địa điểm→ Nhân vật→ cuối cùng mới đi vào câu chuyện. Kiểu viết như vậy có thể rất thuận tiện với tác giả nhưng với người đọc thì không gì ngoài hai chữ “buồn ngủ”.
Ở ví dụ trên các thông tin và đặc điểm của nhân vật được đưa ra như tuổi tác, ngoại hình, thành tích học tập, thời tiết mùa màng…vv . Nhưng những thông tin này lại chẳng phục vụ gì cho phân cảnh. Hơn nữa chi tiết có vẻ là thú vị nhất thì chỉ vẻn vẹn chó một câu cuối cùng.
Ngược lại tại sao mình không đưa chi tiết thú vị nhất lên đầu nhỉ? Mình sẽ sắp xếp lại như sau:
– Oanh ơi, đêm qua tớ mơ thấy bạn đấy. Sợ quá – Huyền vừa nói vừa sốc lại cặp sách.
– Hả, thật á? – Cuối cùng cũng đến ngày đi học để tôi chạy chốn bánh chưng cho bữa sáng, vậy mà vừa hăm hở nhận lấy cái bánh mì pate từ cô bán hàng Huyền đã làm tôi hơi rùng mình.
– Ừ, toát hết cả mồ hôi hột.
Nó nói rồi bình thản cắn miếng xôi khúc trên tay, ăn ngon lành. Mùi tiêu cay lồng và hơi ấm tỏa ra khiến đôi má nó ửng hồng. Trông vẫn xinh xắn và ngạo mạn như mọi khi, đặc biệt chẳng có vẻ gì là đáng sợ như lời nó nói cả. Hừ, không hiểu sao tôi có thể làm bạn với một đứa trái ngược hoàn toàn với mình như thế suốt 8 năm cắp sách tới trường.
– Rồi sao, mơ gì?
Tôi thở hắt ra một hơi dài rồi hờ hững hỏi. Đáp lại nó đưa ánh mắt sắc lạnh nhìn tôi nói đầy ẩn ý:
– Bạn là người rõ nhất còn gì.
Có vẻ đã thú vị hơn rồi đúng không. Đọc qua thì có vẻ sơ sài nhưng đủ để độc giả hiểu được phân cảnh mà không bị những thông tin thừa thãi làm cho sao nhãng.
Mục đích của phân cảnh này là: Giới thiệu chủ để là “giấc mơ đáng sợ”, tạo cảm giác thú vị và hồi hộp.
Tuy nhiên qua hành động đeo cặp, và cuối cùng cũng thoát bánh Chưng của Oanh giúp khán giả biết được thời gian là buổi học đầu tiên sau Tết nguyên đán.
Đồng thời chỉ một câu “Không hiểu sao tôi có thể làm bạn với một đứa trái ngược hoàn toàn với mình như thế suốt 8 năm cắp sách tới trường.” cũng cho thấy nhiều thông tin khác nhau như: đây là những học sinh lớp 8, nhân vật Oanh là người không xinh đẹp và ngạo mạn, và mối quan hệ của hai đứa dù chơi với nhau từ nhỏ nhưng không được hòa hợp.
Mặc dù không phải tuyên bố rành rành kiểu “Oanh là nhân vật chính, là nhân vật kể chuyện và đây đang là mùa xuân đấy, không nhắc lại nữa đâu nhé”. Nhưng sau nhiều chi tiết ám chỉ, một cách tự nhiên độc giả sẽ nhận ra.
Ví dụ: Mùa xuân thì có hoa đào, Tết, Bánh Chưng, mưa phùn, nồm ẩm… Mùa hè có tiếng ve, phượng, kem, sinh hoạt hè, dưa hấu…vv
Dù là ví dụ 1 hay 2 thì thông tin được truyền tải chính là: “Nhân vật chính là người bình thường có cô bạn thân là hot girt và quan hệ không hòa hợp” vậy thôi.
2. Không chỉ rõ người kể chuyện.
Như ở ví dụ 2 câu “Cuối cùng cũng đến ngày đi học để tôi chạy trốn bánh Chưng cho bữa sáng, vậy mà vừa hăm hở nhận lấy cái bánh mì pate từ cô bán hàng Huyền đã làm tôi hơi rùng mình. ” đã cho thấy nhân vật kể chuyện xưng “tôi” ở đây chính là Oanh. Ở mở đầu câu chuyện mình cần nhanh chóng chỉ cho độc giả thấy truyện được kể theo góc nhìn của ai. Khiến câu chuyện bị mơ hồ, không có một góc nhìn xác định.
Tác giả, người đã quen thuộc với câu chuyện thì đây là dường như là điều hiển nhiên, nhưng với độc giả thì khác. Đừng để họ đọc một thôi một hồi mãi cuối cùng mới biết người kể chuyện là ai nhé!
10 Công thức viết một phân cảnh thú vị
Này giờ mình đã giới thiệu bạn nhiều kỹ thuật để có thể viết lên một phân cảnh thú vị rồi. Bạn đã có được một cái nhìn tổng thể và đúc rút cho mình một “Công thức viết một phân cảnh thú vị” hay chưa?
Ngoài nén thông tin hơn thì theo bạn Ví dụ 2 thú vị hơn Ví dụ 1 ở chỗ nào? Có phải chỉ là có mở đầu gây sock hơn, hấp dẫn hơn?
Đúng vậy, nhưng chưa đủ. Chính xác hơn thì đó là mở đầu bằng một câu nói gây sock hoặc khơi gợi sự tò mò. Sau đó là những câu miêu tả tạo một khoảng nghỉ rồi lại một câu nữa gây tò mò.
Đại khái là :
“Ê, tối qua tao mơ thấy mày” →Rốt cuộc nó mơ cái quỷ gì mà sốc vậy, tại sao lại mơ thấy mình?
“Mơ gì tao?” → Nghỉ, miểu tả, kể.
“Biết rõ rồi còn hỏi” → Ngụ ý rằng không chỉ phía Huyền mà cả phía Oanh cũng có những bí ẩn.
Bạn đã nhận ra công thức chưa?
“Phát ngôn/tình tiết gây sock lôi kéo hứng thú của độc giả→Miêu tả→ Lại lôi kéo”
Hoặc cơ bản hơn là “Lôi kéo→ Miêu tả”
Ví dụ khác về cách áp dụng công thức này trong viết lách:
– “Tôi muốn hủy hôn” – Tuyên bố của Hoảng tử giữa bữa tiệc hoàng cung như lưỡi dao xuyên vào ngực juli.
– “Anh đã biết sự thật rồi.” – Lời nói của cô ấy khiến tôi đông cứng, không thể thốt nên lời.
– “Tôi không phải con gái của ông.” – Câu nói vừa thốt ra khỏi miệng cô gái trẻ, cả căn phòng chìm trong im lặng đến nghẹt thở.
– “Cô chính thức bị buổi việc, thu dọn đồ đạc rời khỏi đây ngay” Đột nhiên bị đuổi việc khiến Linh vô cùng bối rối không biết chuyện gì đang xảy ra.
Motip chung là nhân vật chính là đối tượng của phát ngôn người bị đẩy vào thế bất lợi. Nội dung phát ngôn là nguồn cơn, khởi đầu hoặc kết thúc của những diễn biến sau này.
Mở đầu này dù ngắn nhưng lại nén rất nhiều thông tin như về bối cảnh, thời đại. Có hoàng tử công chúa thì chỉ có ở đâu, khi nào? Sao không phải là Nàng- Trẫm → Vị trí nhân vật “Hoàng tử và hôn thê tên Julia”. Địa điểm là tại bữa tiệc trong cung điện.
Kết
Đọc đến đây nhiều bạn sẽ thấy lấn cấn rằng, rõ ràng viết là một quá trình sáng tạo vậy mà càng học được nhiều về cách viết càng thấy bị bó buộc. Không học thì không biết cách viết, biết cách viết rồi thì hổng lẽ mình lại cứ phải viết theo cái mẫu như thế mới thành công được sao? Thực tế, việc nắm vững các kỹ thuật cơ bản không hạn chế khả năng sáng tạo của bạn, mà còn tạo nền tảng vững chắc để bạn có thể phát triển phong cách riêng. Giống như một họa sĩ phải thành thạo các kỹ thuật vẽ cơ bản trước khi tạo ra những tác phẩm độc đáo, một nhà văn cũng cần hiểu rõ các nguyên tắc cơ bản của viết lách để có thể vượt qua chúng một cách có ý thức. Khi bạn đã làm chủ được những quy tắc này, bạn sẽ có khả năng phá vỡ chúng một cách sáng tạo và hiệu quả. Mình sẽ từ từ giới thiệu chúng ở những bài viết sau nhé!
Bạn yêu thích bài viết này chứ? Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy chia sẻ liên kết với bạn bè thay vì sao chép nhé. Tôn trọng công sức của tác giả là cách giúp chúng mình có thêm động lực tiếp tục sáng tạo và cung cấp những nội dung chất lượng hơn nữa! Cảm ơn các bạn rất nhiều ❤️"